Nguyễn Đình Chiểu - Danh Nhân Văn Hóa Thế Giới
Mỗi khi gặp cuộc quốc biến gia nguy, lòng người không khỏi đớn đau trước cảnh “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/ Mất ổ bầy chim dáo dác bay”.
Người ta sinh ra ai cũng có lòng mến tổ thương tiên, yêu quý nòi giống và mang nhiều hoài bão cho quê hương xứ sở mình. Bởi vậy mỗi khi gặp cuộc quốc biến gia nguy, lòng người không khỏi đớn đau trước cảnh “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/ Mất ổ bầy chim dáo dác bay” như lời bộc bạch của tiên sinh Nguyễn Đình Chiểu.
1. Tiên sinh Nguyễn Đình Chiểu
Minh Mệnh nguyên niên, ngày một tháng bảy năm Nhâm Ngọ (1/7/1822), Nguyễn Đình Chiểu sinh ra trong một gia đình quan chức có học thức, địa vị trung lưu. Cha ông là Nguyễn Đình Huy giữ chức Đốc Bạ, làm dưới quyền Tả quân Lê Văn Duyệt, sau được thăng đến Án-sát-sứ. Cuộc sống bình lặng trong gia đình gia giáo, đêm ngày nấu sử xôi kinh đã giúp Nguyễn Đình Chiểu đỗ bằng Tú Tài ở trường thi Gia Định hồi năm Quý Mẹo 1843 – lúc này ông 22 tuổi.
Khi ra Huế chờ khoa thi Hương, nhận được tin mẹ qua đời nên ông đành bỏ thi quay về chịu tang. Biến cố bắt đầu từ đây, đường dài cách trở, nhiều bệnh tật ốm đau, lại khóc thương mẹ phương xa đã cướp đi đôi mắt của ông:“Lòng hiếu tử, dặm quan hà, trắc dĩ vời trông, mây bạc phao tuông, khôn cầm huyết luỵ” (Nỗi Lòng Đồ Chiểu – Phan Văn Hùm). Ở xã hội Việt Nam thời bấy giờ, muốn tiến thân chỉ có con đường khoa mục, con đường hoạn lộ bởi sự thi cử của triều đình tổ chức mới nuôi được chí kinh bang tế thế. Giờ đây Nguyễn Đình Chiểu từ một Tú Tài sắp được “thang mây nhẹ bước” chợt “lỡ bề báo hiếu, lỡ bề lập thân”, lại mang trong mình nỗi uất giận tột cùng trước buổi thế nước đảo điên, lặng ngộp trong khói lửa chiến tranh, bờ cõi chia năm xẻ bảy bởi oai lực đại bác của thực dân phương Tây đang giày xéo quê hương.
“Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”
Dầu vậy, những biến cố thời cuộc chỉ làm “nền” cho một chí khí kinh luân thêm phần rực sáng. Sau khi mù mắt, tiên sinh buông nghiệp đường quan trở về Gia Định (sau về Ba Tri, Bến Tre) dạy học, bốc thuốc cứu giúp nhân dân và bắt đầu sáng tác thơ văn - kể từ đây ông được gọi với cái tên thân thương: Đồ Chiểu.
2. Sự nghiệp sáng tác và tác phẩm Lục Vân Tiên
Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu rất phong phú, nổi bật như tác phẩm:
Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều Y Thuật Vấn Đáp, Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Guộc, Văn Tế Nghĩa Sĩ Trận Vong Lục Tỉnh và các tác phẩm hịch, văn tế khác… đặc biệt ông được nhiều người biết đến và nể phục bởi tác phẩm Lục Vân Tiên.
(1) Tác phẩm Lục Vân Tiên
Lục Vân Tiên được đông đảo bà con nhân dân đón nhận, nhất là người con Nam Bộ. Bởi lối thơ hết sức dễ hiểu, giàu chất nhân văn, răng dạy sự đời một cách gần gũi nên hầu hết các em bé miền Nam xưa kia đều được nghe mẹ, nghe bà hát ru kể chuyện Vân Tiên. Có những câu thơ trong tác phẩm đã trở thành hơi thở của người dân Nam bộ, như:
“Trai thời trung hiếu làm đầu Gái thời tiết hạnh làm câu trao mình” hay
“Xin đừng tham đó bỏ đăng
Chơi lê quên lựu chơi trăng quên đèn”
Lục Vân Tiên là nhân vật điển hình cho lý tưởng sống của Nguyễn Đình Chiểu về sự ham học, hiếu thảo, thuỷ chung như câu “văn võ song toàn”. Nếu đôi mắt “mù loà” đã kéo áng mây đen che khuất ánh sáng cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu thì Vân Tiên chính là đôi mắt còn lại của tâm hồn đã giúp cụ cải hoá nhân tâm con người trong thời buổi loạn lạc. Ở Vân Tiên, ta thấy được cuộc đời của Đồ Chiểu từ đường công danh, biến cố và những mong ước chưa thành hiện thực. Câu 67-68 trong tác phẩm, lúc tôn sư tiên tri về cuộc đời Lục Vân Tiên cũng chính là nói lên đường đời Nguyễn Đình Chiểu:
“Hiềm vì ngựa chạy đường xa
Thỏ vừa ló bóng gà đà gáy tan”
Nguyễn Đình Chiểu sinh năm con Nhâm Ngọ 1822 ứng với câu “ngựa chạy đường xa”; thi đỗ Tú Tài năm Quý Mẹo 1843 (theo 12 con giáp, năm Mẹo ở Việt Nam tương ứng với năm Thỏ ở Trung Hoa) ứng với câu “thỏ vừa ló bóng”; ông hụt khoa thi năm Kỷ Dậu 1849 ứng với lời “gà đà gáy tan”. Lại thêm những lời đồn trong nhân gian rằng sau khi tiên sinh mù loà đã bị từ hôn giống như Vân Tiên bị nhà Võ Thể Loan từ chối hôn sự. Tình bạn tri âm của bộ ba Lục Vân Tiên - Vương Tử Trực và Hớn Minh cũng tựa như Đồ Chiểu – Phan Văn Trị và Trương Định ngoài đời thực.
(2) Nhân cách Nguyễn Đình Chiểu
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà yêu nước tiêu biểu thời kháng chiến chống Pháp, ông lên án kịch liệt tư tưởng tây hoá và bọn bán nước cầu vinh:“Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ” (Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc). Viên Chánh tham biện tỉnh Bến Tre là Michel Ponchon đã ba lần đến nhà ông để khéo léo dụ dỗ ông bởi biết uy tín của ông với nhân dân, cả ba lần ông đều từ chối. Có lần Ponchon đến thăm cụ Đồ giả đau không tiếp, khiến Ponchon vào đến chỗ ông nằm và đề nghị trả đất ở Tân Khánh cho. Đồ Chiểu ôn tồn trả lời: “Nước chung đã mất, đất riêng còn có sao được?” – theo lời thuật của ông Nguyễn Đình Chiêm.
Tiên sinh Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho yêu nước, một “ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen tặng. Từ hiện thực đời sống đến tác phẩm văn chương đều dốc công vào 2 việc lớn, giúp đất nước gìn giữ giang sơn và dạy đời gìn giữ phép tắc. Cái hào hùng, khí tiết cương trực khảng khái của ông đã đặt ông vào hàng ngũ chiến sĩ anh hùng “Thà đui còn giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ” hay câu “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Cùng với đó là tư tưởng nhân nghĩa truyền thống luôn dạt dào mạnh sống, nếu Nguyễn Trãi nói “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” thì với Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy “ Nhớ câu kiến ngãi bất vi, làm người thế ấy cũng phi anh hùng” (thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải anh hùng).
Nguyễn Đình Chiểu đã dùng gòi bút rực lửa đánh đuổi thực dân xâm lược Pháp khỏi đất An Nam, nhưng giờ đây tại thủ đô Paris của Pháp đã long trọng tôn vinh ông là nhà Danh Nhân Văn Hoá Thế Giới tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 của UNESCO diễn ra từ ngày 9 đến 24/11/2021. Nhân cách lớn của tiên sinh trên cả ba lĩnh vực Thơ văn, Thầy giáo và Thầy thuốc là bằng chứng giúp UNESCO khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”.
Giờ đây đất nước đã yên bề khói lửa, lặng bóng quân thù. Chí non sông thâu về một mối đã phần nào trọn vẹn nguyện ước Đồ Chiểu năm xưa, song le khát vọng phục hưng và gìn giữ văn hoá lại trở nên cam go hơn bao giờ hết trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu sắc. Biên giới quốc gia còn đó lằn ranh cương vực nhưng biên giới văn hoá thì không. Phóng tầm mắt vào sự tấn bộ của xã hội đương thời, chúng ta sẽ nhận ra hơn một thế kỷ nay các trào lưu tư tưởng, văn hóa, khoa học kỹ thuật của hoàn cầu mà đặc biệt là Tây phương đã mang lại nhiều tiện nghi vật chất cho đời sống người dân nước mình. Chúng ta đón nhận tất cả, ta tiếp cận những cái hay cái đẹp của ngoại quốc nhưng đã đủ sức đề kháng để có thể chọn lọc tinh hoa hay chưa? Câu trả lời nằm ở tình cảm mặn nồng hay lợt lạt của quý bạn dành non nước quê hương mình.
Tác giả: Thái Hải Đăng
Tìm hiểu thêm về COREfidence: tại đây
Xem thêm:
Khám phá dụng ý văn chương trong tiểu thuyết "Ngô Vương" của nhà văn Phùng Văn Khai
Khi văn chương hòa quyện với lịch sử, những trang viết không chỉ dừng lại ở việc miêu tả sự kiện mà còn mang đến những góc nhìn, cảm nhận và triết lý sâu sắc. Văn chương lịch sử mang sứ mệnh đưa người đọc trở về quá khứ, thao thức cùng những nhân vật lịch sử, cảm nhận những đau thương, vinh quang, và những bi kịch của thời đại. Những câu chuyện lịch sử …